Triển khai công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng năm 2022

Sáng 25/02, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến đánh giá công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022 và quán triệt thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 24/8/2021 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hoạt động khai thác, vận chuyển và chế biến khoáng sản, lâm sản trái phép. Dự Hội nghị có các đồng chí: Phương Thị Thanh- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nông Quang Nhất- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh. Đồng chí Đỗ Thị Minh Hoa- Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị. Hội nghị được trực tuyến đến tất cả điểm cầu các huyện, thành phố, các đơn vị Kiểm lâm trên địa bàn tỉnh. 

          Dự tại điểm cầu thành phố có các đồng chí: Triệu Thị Thu Hoài- Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Lê Đăng Trưởng- Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND thành phố; Nguyễn Duy Diệp- Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố; cùng đại diện lãnh đạo một số phòng, ban của thành phố Bắc Kạn.

        Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, năm 2021 công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tiếp tục được các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo thực hiện. Toàn tỉnh đã trồng được hơn 5.155ha rừng, đạt 143,8% kế hoạch giao. Việc khai thác lâm sản của các chủ rừng trên địa bàn được chính quyền địa phương và lực lượng chức năng theo dõi, kiểm tra, giám sát chặt chẽ và thực hiện thống kê báo cáo sản lượng theo quy định. Trong năm 2021, khối lượng lâm sản khai thác là 293.980/287.000m3, đạt 102% chỉ tiêu kế hoạch giao.

Trong năm, các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra phát hiện và lập biên bản 433 vụ vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp (giảm 38 vụ so với cùng kỳ). Các vụ vi phạm đều được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh; không có vụ việc kéo dài, không xảy ra các điểm nóng vi phạm pháp luật về lâm nghiệp; 3 khu rừng đặc dụng không có cây gỗ mới bị chặt hạ, khai thác trái pháp luật. Toàn tỉnh xảy ra 08 vụ cháy rừng với diện tích thiệt hại 5,638ha, các vụ cháy đều được Nhân dân, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng phát hiện và chữa cháy kịp thời, không gây thiệt hại lớn. Bên cạnh những kết quả đạt được cũng còn một số hạn chế như: Tình trạng phát, phá rừng trái phép vẫn diễn ra, so với cùng kỳ tăng 53 vụ, diện tích thiệt hại hơn 66ha, tăng 17,42ha; một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục về chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định.

Hội nghị đã dành nhiều thời gian thảo luận, các địa phương, đơn vị liên quan đã nêu ra những khó khăn về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở địa phương và kiến nghị một số nội dung như: Cần xem xét chính sách khoanh nuôi bảo vệ rừng, nâng mức hỗ trợ để động viên, khuyến khích người dân nhiệt tình, nâng cao trách nhiệm thực hiện hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; đề nghị cấp trên có giải pháp cho phép cải tạo rừng nghèo kiệt để người dân có cuộc sống ổn định dựa vào phát triển kinh tế rừng; cần đưa ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng đối với một số diện tích không có khả năng phát triển thành rừng để khai thác, sử dụng cho phù hợp…

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Phương Thị Thanh- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh ghi nhận sự nỗ lực của các ngành, các địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, đồng thời chỉ ra những hạn chế còn tồn tại cần khắc phục trong thời gian tiếp theo. Trong đó, đồng chí nhấn mạnh 6 nội dung trọng tâm gồm: Nêu cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, có sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, từ cấp tỉnh đến cấp thôn, tổ dân phố; cơ quan chuyên môn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lựa chọn nội dung, điều khoản liên quan vấn đề quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, tăng cường công tác tuyên truyền nhằm tăng hiệu quả hơn nữa trong thực hiện, đồng thời xử lý nghiêm, kịp thời những hành vi vi phạm; quản lý tốt các cơ sở chế biến gỗ, đặc biệt là việc cấp phép khai thác, chế biến trên địa bàn toàn tỉnh; khắc phục ngay việc rừng trồng không thành rừng; tiếp tục quan tâm đến sinh kế người dân, thực hiện đồng bộ từ các chương trình, dự án để triển khai hiệu quả nâng cao đời sống cho Nhân dân; đề nghị các địa phương nghiêm túc thực hiện việc giữ nguyên hiện trạng rừng tự nhiên sản xuất theo quy định của pháp luật hiện hành khi chưa có quy định khác./.

Đặng Tuyết