“ĐIỂM LẠNH” VÀ “ĐIỂM NÓNG”

Trích: Báo nhân dân (Tuyển chọn)

                                                      Tác giả: NGUYỄN SÔNG TRÀ

Về thăm, làm việc tại một huyện vùng cao thuộc địa bàn Tây Nguyên, đoàn công tác trung ương được nghe lãnh đạo địa phương báo cáo, nhấn mạnh nhiều kết quả quan trọng trong công tác nắm bắt, phòng ngừa và xử lý “điểm nóng” trên địa bàn.

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, đồng chí Trưởng đoàn công tác trung ương ghi nhận, biểu dương những kết quả địa phương đạt được. Đồng chí bày tỏ ấn tượng khi mọi âm mưu, thủ đoạn và hoạt động chống phá của lực lượng thù địch được cấp ủy, chính quyền và cơ quan chức năng sớm phát hiện, đấu tranh hiệu quả. Hơn thế, việc giải quyết các “điểm nóng” trong dân được cấp ủy, chính quyền vận hành bài bản, với những bước đi phù hợp.

Tuy nhiên, sau những lời khen chân thành, đồng chí Trưởng đoàn công tác bỗng đặt vấn đề: “Theo các đồng chí và bà con thì “điểm nóng” hay “điểm lạnh” nguy hại hơn?”.

Không gian buổi làm việc bỗng lắng xuống. Chờ một lúc lâu không có ý kiến phản hồi, đồng chí Trưởng đoàn công tác trung ương mới chủ ý giải thích: “Theo tôi thì giải quyết được “điểm nóng” là phần việc rất tốt, nhưng để xảy ra “điểm nóng” thì đã có một phần lỗi của cấp ủy, chính quyền. Đặc biệt, các đồng chí sẽ càng có lỗi khi để xảy ra “điểm lạnh” và chưa thật sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo để giải quyết “điểm lạnh” trong cộng đồng”.

Theo ý của đồng chí Trưởng đoàn công tác, việc để xảy ra “điểm lạnh” trong cộng đồng là đáng ngại hơn. Bởi “điểm nóng” trong trường hợp cụ thể muốn nói đến là sự ức chế, nóng nảy trong tâm lý và hành vi cộng đồng; khi được giải quyết thì hệ quả để lại có thể lường trước, khắc phục căn bản. Trong khi đó, “điểm lạnh” là sự mất niềm tin, sự thờ ơ với công việc chung của Tổ quốc, quê hương, thể hiện ra bên ngoài là sự lặng im đáng sợ hay sự tự ti cao độ của người dân trước các vấn đề của đời sống xã hội. Có nghĩa, lúc bấy giờ, người dân thật sự vô cảm, vô tâm, vô trách nhiệm trước thời cuộc. Để xảy ra “điểm lạnh”, có nghĩa là cấp ủy, chính quyền đã thật sự thất bại trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý. Bởi lẽ, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng và một khi không quy tụ được lòng dân, không phát huy được sức dân thì ở đó tất yếu sẽ đi đến thất bại

“Điểm lạnh” là đặc biệt nguy hại; là tiền đề dẫn đến nảy sinh “điểm nóng”. Nếu không có “điểm lạnh”, hoặc phát hiện sớm, giải quyết triệt để “điểm lạnh” bằng sự quan tâm giáo dục, thuyết phục quần chúng, tạo sự yên dân, an dân thì chắc chắn sẽ ngăn chặn triệt để “điểm nóng”. Nói cách khác, một khi nắm được lòng dân, khơi dậy lòng nhiệt huyết, trách nhiệm của dân thì sự nghiệp cách mạng chắc chắn sẽ đi đến thành công.

Bởi vậy, muốn giải quyết “điểm lạnh” một cách hiệu quả, cán bộ phải thường xuyên đối thoại, lắng nghe, tăng cường về cơ sở để nắm dân, sát dân, nghe dân nói. Phong trào thi đua yêu nước rất cần đi vào thực chất để khơi dậy nhiệt huyết cách mạng trong quần chúng; phải đặt người dân đúng vào vị trí vừa là chủ thể, vừa là lực lượng to lớn của sự nghiệp cách mạng. Cùng với đó, người dân phải nhận thức đầy đủ, thấy rõ trách nhiệm của mình, không để bị kẻ thù lợi dụng, lôi kéo, mua chuộc; không được vô cảm, vô trách nhiệm trước việc chung của Đảng, của đất nước và cộng đồng.

Đồng chí Trưởng đoàn công tác trung ương vừa dừng lại, cả hội trường vang lên tiếng vỗ tay rầm rầm bày tỏ sự đồng thuận và thể hiện sự thấm nhuần, thấm thía những lời căn dặn với tư duy sắc bén, mới mẻ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (khi đó là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước).

Buổi làm việc kết thúc khi hoàng hôn đứng bóng, nhưng nơi xứ sở cao nguyên nghèo khó như đang bừng lên một thứ ánh sáng rực rỡ trong tư duy và niềm tin cho tương lai.

Nguyễn Thị Tâm – Phó Trưởng Phòng VH-TT thành phố (sưu tầm)