Hiệu quả từ mô hình xử lý rác thải tại xã Dương Quang

(backancity.gov.vn) – Cùng với sự phát triển về mọi mặt của đời sống xã hội, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh từ các hộ gia đình cũng ngày càng tăng theo. Chính vì vậy, việc triển khai thực hiện các mô hình xử lý rác thải sinh hoạt ngay tại nguồn, trong từng hộ gia đình sẽ giảm tải rất nhiều cho các công đoạn xử lý, phân loại rác về sau. Tại xã Dương Quang, thành phố Bắc Kạn, tuy mới bắt đầu triển khai mô hình phân loại xử lý rác thải tại khu dân cư nhưng đã cho thấy những hiệu quả bước đầu thiết thực.

Người dân thực hiện mô hình được hỗ trợ thùng đựng rác, xô nhựa thực hiện quy trình phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt

Được lựa chọn triển khai mô hình phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt thành phân hữu cơ vi sinh, người dân của các thôn Bản Giềng, Quan Nưa, Nà Rào xã Dương Quang được cán bộ Trung tâm ứng dụng Khoa học – Công nghệ và Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh Bắc Kạn xuống tận nơi hướng dẫn cách phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình, thực hiện quy trình kỹ thuật xử lý chất thải rắn sinh hoạt thành phân hữu cơ vi sinh bằng thùng ủ. Người dân còn được hỗ trợ thùng đựng rác, xô nhựa và các chế phẩm sinh học để có thể thực hành luôn quy trình phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt ngay tại gia đình mình.

Từ việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, thực hiện quy trình thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt theo đúng hướng dẫn nên đường làng, ngõ xóm luôn sạch sẽ, rác thải được phân loại, tái chế thành phân hữu cơ phục vụ cho trồng trọt, số rác thải không tái sử dụng được cũng đã được thu gom, bỏ vào thùng rác theo đúng quy định. Hiện nay, trên địa bàn xã Dương Quang đã hình thành nhiều tuyến đường văn minh, các thôn bản thực hiện tốt tiêu chí vệ sinh môi trường, phân loại rác tại nguồn. Nhiều cá nhân, hộ gia đình tiêu biểu được các địa phương tuyên dương khen thưởng vì có ý thức trong công tác bảo vệ môi trường.

Thông qua mô hình phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt thành phân hữu cơ vi sinh đã từng bước thay đổi nhận thức, tạo thói quen về thực hiện thu gom phân loại và xử lý rác thải tại hộ gia đình của người dân xã Dương Quang. Bên cạnh đó, việc xử lý rác hữu cơ bằng chế phẩm sinh học giúp cho người dân có nguồn phân hữu cơ tại chỗ bón cho cây trồng đảm bảo an toàn sức khỏe; giảm khối lượng rác thải ra môi trường, góp phần cải tạo cảnh quan môi trường, xây dựng nông thôn mới nâng cao ở địa phương./.

Đặng Tuyết