Hội thảo mô hình cải tạo nâng cao chất lượng đất trồng lúa nước

Theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Bắc Kạn: Mô hình nâng cao chất lượng cải tạo đất trồng lúa nước năm 2019 được triển khai tại 08 tổ dân phố ( Lủng Hoàn, Bản Đồn 1, Bản Đồn 2, Nà Bản, Bản Pyat, Bản Rạo, Mai Hiên, Tân cư) có tổng diện tích 60 ha, với 446 hộ tham gia. Mô hình cải tạo nâng cao chất lượng trồng lúa nước triển khai từ tháng 6/2019 và các hộ đều tập trung thu hoạch từ  5/11 – 15/11/2019. Tham gia mô hình này, các hộ dân được Nhà nước hỗ trợ 100% men ủ phân hữu cơ và xử lý rơm rạ tại ruộng. Hỗ trợ 50% lượng phân Kaly, phân lân nung chảy Văn Điển và thuốc bảo vệ thực vật. Các hộ dân chủ yếu sử dụng giống lúa Bao Thai cùng một số giống ngắn ngày khác như: Khang Dân 18,  Hà Phát 3, Đài Thơm 8, TBR 279,…thực hiện kỹ thuật canh tác lúa cải tiến SRI sử dụng men vi sinh ủ rơm rạ để bón lót.

So với ruộng đối chứng, lúa cấy trên mô hình cải tạo đất sinh trưởng khỏe hơn, có khả năng chống chịu với sâu bệnh hại tốt hơn. Ruộng có sử dụng men vi sinh giảm được lượng thóc giống và thuốc bảo vệ. Cụ thể, khi sử dụng cùng giống lúa Bao Thai, cả hai ruộng đạt 24 khóm/m2  nhưng khác nhau về một số chỉ tiêu cấu thành năng suất như: Ruộng sử dụng men vi sinh đạt 11/10; tổng số hạt/ bông là125/114, số hạt chắc /bông là 113/98; năng xuất đạt 5.500kg/ha thì ruộng đối chứng đạt 5.000kg. Với 60 ha lúa có sử dụng men vi sinh, năng suất tăng khoảng 30.000kg, thu nhập tăng khoảng 210.000.000đ/ 60ha chưa tính công lao động. Tổng chi phí đầu tư ruộng có sử dụng men vi sinh cao hơn ruộng đối chứng 150.000đ/ha nhưng năng suất cao hơn 500kg/ha.

          Tại hội thảo, phần lớn các hộ tham gia mô hình cho rằng: Các giống lúa khi được trồng trên diện tích đất được cải tạo năm 2019 đều đạt năng xuất cao hơn và đề nghị cần tiếp tục nhân rộng tại địa phương. Đồng thời, mong muốn cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố có những khuyến cáo tốt nhất trong quá trình canh tác cây lúa, tăng cường thời gian xuống cơ sở hỗ trợ trực tiếp về kỹ thuật canh tác lúa để người dân áp dụng hiệu quả cách sử dụng men vi sinh ủ rơm rạ làm phân bón hữu cơ. Thực hiện hiệu quả kỹ thuật canh tác lúa cải tiến SRI như: gieo mạ thưa, cấy thưa, cấy ít dảnh, điều tiết nước, bón phân, cung cấp dinh dưỡng cho cây đúng thời điểm, … trong các mùa tiếp theo./.