Thành phố Bắc Kạn chỉ đạo phát triển bền vững cây ăn quả có múi

Để phát triển cây ăn quả có múi hiệu quả, bền vững, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong giai đoạn hiện nay, UBND thành phố đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và UBND các xã, phường phát triển bền vững cây ăn quả có múi.

Về cơ cấu giống: Sử dụng các loại giống theo chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trồng các giống nhằm rải vụ thu hoạch để chủ động trong khâu tiêu thụ. Tăng cường công tác quản lý giống cây trồng theo quy định, khuyến cáo người dân sử dụng cây giống có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, sạch bệnh.

Trong đó, tuyên truyền, phổ biến các chính sách khuyến khích, thúc đẩy người dân tập trung thâm canh cải tạo vườn cây có múi. Áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất theo hướng giảm chi phí, hạ giá thành sản xuất và nâng cao năng suất, chất lượng như kỹ thuật tưới nước tiết kiệm, bón phân cân đối, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, các chế phẩm sinh học và phòng trừ sâu bệnh hại tổng hợp. Hướng dẫn quy trình sản xuất an toàn cho ngường dân, tăng cường công tác quản lý truy xuất, nhận diện nguồn gốc (tem, nhãn, bao bì…).

Duy trì quy mô sản xuất hiện có ở vùng trồng thích hợp, tập trung, có điều kiện đầu tư thâm canh; thúc đẩy việc thâm canh cải tạo cây cam, quýt theo hướng sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm hoặc được chứng nhận VietGAP. Không khuyến khích gia tăng diện tích cây cam, quýt tự phát, nhất là tại các vùng không phù hợp. Đối với diện tích trồng mới, chỉ đạo theo hướng diện tích phải tập trung, áp dụng đồng bộ tất cả các biện pháp kỹ thuật ngay từ khâu đào hố, chọn giống, đến bảo quản sản phẩm…Những diện tích trồng phân tán tại các nơi có năng suất, chất lượng thấp cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân chuyển đổi sang cây trồng khác có hiệu quả hơn.

Khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh tham gia súc tiến giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm cam, quýt cho người dân. Phát triển thị trường theo hướng chú trọng thị trường nội địa, đặc biệt là các vùng đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ du lịch, đồng thời tìm cơ hội hợp tác với các đối tác nước ngoài để tiêu thụ sản phẩm.

Hàng năm, rà soát diện tích cây có múi cho thu hoạch, dự kiến cụ thể sản lượng hiện có, xây dựng kế hoạch cho việc tiêu thụ sản phẩm.Tuyên truyền vận động nhân dân tự nguyện tham gia các hình thức hợp tác liên kết sản xuất, liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh các liên kết địa phương, vùng, miền trong sản xuất rải vụ thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm.Tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu liên kết với người sản xuất, đầu tư dây truyền công nghệ tiên tiến trong chế biến, bảo quản nhằm gia tăng giá trị sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu.