Thị xã Bắc Kạn: Chủ động phòng, chống dịch bệnh lở mồm long móng gia súc giai đoạn 2012 – 2015

Để chủ động kết hợp mọi biện pháp phòng, chống dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM), ngăn chặn, khống chế các ổ dịch LMLM đã, đang tồn tại ở địa phương hoặc có nguy cơ lây lan từ ngoài vào, đồng thời xây dựng hệ thống quản lý, giám sát dịch bệnh từ tỉnh đến thị xã, xã, thôn, tổ và hộ gia đình, ngày 6/6/2012, UBND thị xã Bắc Kạn đã ban hành Kế hoạch số 58/KH-UBND về phòng, chống dịch bệnh LMLM gia súc giai đoạn 2012 – 2015.

Theo đó, thị xã Bắc Kạn phấn đấu năm 2012 hạn chế số ổ dịch phát sinh mới, giảm 30% số gia súc mắc bệnh; khống chế thành công 30% số ổ dịch cũ, không để dịch tái phát lại vào năm 2013; khống chế được 70% số ổ dịch cũ, tiến tới xây dựng vùng an toàn dịch LMLM gia súc vào trong năm 2014 và năm 2015 khống chế thành công 100% các ổ dịch cũ, mở rộng xây dựng vùng an toàn đối với dịch bệnh LMLM gia súc trên địa bàn toàn thị xã.

Để đạt được mục tiêu trên, trong công tác phòng dịch: Thị xã sẽ kiện toàn, duy trì hoạt động của ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm các cấp; tăng cường công tác thông tin, truyền thông, vận động bà con nhân dân nghiêm túc thực hiện “5 không” (không dấu dịch; không mua gia súc bệnh, sản phẩm của gia súc mắc bệnh; không bán chạy gia súc mắc bệnh; không thả rông, không tự ý vận chuyện gia súc mắc bệnh LMLM ra khỏi vùng dịch; không vứt xác gia súc mắc bệnh bừa bãi), biết cách phát hiện, biện pháp phòng, chống bệnh LMLM gia súc và những tác hại do hậu quả bệnh LMLM để lại; tăng cường kiểm tra, giám sát đàn gia súc cảm nhiễm với bệnh LMLM đặc biệt là đàn trâu, bò, lợn; tiêm vác xin phòng bệnh cho trâu bò theo định kỳ; tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát trong công tác kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ.

Đối với công tác chống dịch: Khi có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút LMLM thì Chi cục Thú y báo cáo Cục Thú y và tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố dịch trên địa bàn xã, phường có dịch. Các xã, phường khác đang có dịch, nếu phát hiện trâu, bò, lợn, dê cũng có những triệu chứng lâm sàng của bệnh LMLM thì áp dụng ngay các biện pháp chống dịch, không nhất thiết phải chờ kết quả chẩn đoán từ phòng thí nghiệm, đồng thời Chi cục Thú y tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh thực hiện việc công bố dịch trên địa bàn xã đó.

Xử lý ổ dịch: Chủ gia súc, khi nghi ngờ gia súc mắc bệnh LMLM thì phải nuôi cách ly ngay và báo cáo với trưởng thôn, thú y viên cơ sở để báo ngay cho Trạm Thú y, đồng thời hướng dẫn chủ gia súc nuôi cách ly, theo dõi gia súc nghi mắc bệnh, không cho tiếp xúc với những gia súc khoẻ, tiến hành vệ sinh tiêu độc chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi, môi trường xung quanh. Khi nhận được thông báo trong phạm vi một ngày, Trạm Thú y thị xã phải cử cán bộ xuống nơi có gia súc nghi mắc bệnh để xác minh và lấy mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm. Chủ tịch UBND các xã, phường có trách nhiệm chỉ đạo trưởng thôn, thú y viên hướng dẫn, kiểm tra, giám sát chủ gia súc thực hiện cách ly gia súc bệnh với đàn gia súc khoẻ; nuôi nhốt gia súc tại chuồng để theo dõi, thống kê số lượng, loài gia súc mắc bệnh, tổng đàn gia súc cảm nhiễm với bệnh có trong thôn, số hộ gia đình có gia súc mắc bệnh…; lập chốt kiểm dịch động vật tạm thời trên các trục đường giao thông chính đi ra, vào thôn, xã có dịch và vùng khống chế với sự tham gia của lực l­ợng thú y, công an, dân quân tự vệ…, phân công trực 24/24 giờ nhằm kiểm soát, ngăn chặn không cho vận chuyển gia súc, sản phẩm của gia súc cảm  nhiễm với bệnh LMLM ra ngoài vùng dịch; tổ chức phun thuốc khử trùng tiêu độc các phương tiện vận chuyển từ vùng có dịch đi ra ngoài.

Vệ sinh tiêu độc khử trùng: Thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng trại, nơi chăn thả, nơi nuôi nhốt gia súc, phương tiện vận chuyển, nơi giết mổ gia súc bằng thuốc sát trùng như­: Haniodine, CholoraminB, Benkocid… Đối với các thôn có dịch thực hiện phun 3 ngày/lần; các thôn khác trong xã có dịch thực hiện phun 7 ngày/ lần; các xã thuộc vùng khống chế, vùng đệm thực hiện phun 2 tuần/ lần cho đến khi có quyết định công bố hết dịch.

Tiêm vác xin phòng bệnh: Phạm vi tiêm gồm các thôn, tổ chư­a phát dịch của  xã, phường đang có dịch và các xã giáp ranh với xã có dịch thì tổ chức tiêm phòng cho tất cả số trâu, bò trong thôn, xã; tỷ lệ tiêm phòng phải đạt 80% trở lên so với tổng đàn. Đối với vùng dịch (thôn có dịch), sau khi tiêm phòng vùng khống chế đ­ợc 14 ngày thì tiến hành tiêm phòng cho những trâu, bò khoẻ mạnh nằm trong vùng dịch; tỷ lệ tiêm phòng phải đạt 100% số gia súc nằm trong diện tiêm. Đối với vùng đệm gồm các xã tiếp giáp bên ngoài các xã thuộc vùng khống chế, tiêm cho tất cả trâu, bò, tỷ lệ tiêm phòng đạt 80% trở lên so với tổng đàn…

Theo kế hoạch, UBND thị xã kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm thị xã; phối hợp với Chi cục Thú y chỉ đạo Trạm Thú y, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức, cá nhân có liên quan ở địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh LMLM; huy động lực lượng tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là công tác tiêm phòng, tiêu huỷ gia súc mắc bệnh, phun khử trùng tiêu độc và kiểm soát vận chuyển gia súc ra vào địa bàn.

Các phòng, ban, ngành, đoàn thể, địa phương tùy theo chức năng, nhiệm vụ tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch LMLM trên địa bàn thị xã./.

Thu Cúc