Xét nghiệm nhanh kháng nguyên xác định Covid-19

1. Những điều cần biết về xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2  (test nhanh kháng nguyên)

Xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 là một xét nghiệm chẩn đoán nhanh RDT (Rapid Diagnostic Test) để phát hiện sự có mặt của protein đặc hiệu virus SARS-CoV-2 có trong một mẫu dịch tiết từ đường hô hấp (dịch tỵ hầu) của người cần kiểm tra. Các kháng nguyên chỉ được phát hiện khi virus đang trong các chu trình nhân lên một cách nhanh chóng.

Xét nghiệm nhanh kháng nguyên được sử dụng tốt nhất để sàng lọc, chẩn đoán sớm tình trạng nhiễm virus cấp tính.

Xét nghiệm nhanh kháng nguyên có ưu điểm thuận tiện khi sử dụng, cho kết quả nhanh trong vòng 30 phút, có thể sử dụng ở ngoài phòng xét nghiệm, chi phí thấp hơn so với xét nghiệm Realtime RT-PCR, người nghi nhiễm Covid-19 cũng có thể tự thực hiện theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc cán bộ y tế.

Xét nghiệm nhanh kháng nguyên có độ nhạy thấp hơn so với xét nghiệm Realtime RT-PCR nên có thể cho kết quả âm tính giả.

Xét nghiệm nhanh kháng nguyên nên thực hiện sau khi tiếp xúc với F0 từ ngày thứ 2 hoặc khi có triệu chứng nghi nhiễm vi rút SARS-CoV-2.

2. Triển khai xét nghiệm test nhanh kháng nguyên vi rút SARS-CoV-2 để xác định mắc Covid-19

Tại Quyết định số 250/QĐ-BYT ngày 28/01/2022 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 (phiên bản lần thứ 8),Bộ Y tế đã hướng dẫn xác định một người nhiễm SARS-CoV-2 khi có kết quả test nhanh kháng nguyên dương tính và có yếu tố dịch tễ hoặc tiếp xúc gần với trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc xác định mắc Covid-19,cụ thể:

2.1. Các trường hợp chỉ cần xét nghiệm test nhanh kháng nguyên 01 lần để xác định mắc Covid-19 gồm:

Thứ nhất: Là người tiếp xúc gần (F1) và có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính với vi rút SARS-CoV-2.

Thứ hai: Là người có yếu tố dịch tễ, có biểu hiện lâm sàng nghi mắc Covid-19 và có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính với vi rút SARS-CoV-2.

2.2. Trường hợp cần xét nghiệm test nhanh kháng nguyên 02 lần để xác định mắc Covid-19

Là người có yếu tố dịch tễ và có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính 2 lần liên tiếp (xét nghiệm lần 2 trong vòng 8 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm lần 1) với vi rút SARS-CoV-2.

Trong trường hợp xét nghiệm nhanh kháng nguyên lần thứ 2 âm tính thì cần phải có xét nghiệm Real-time RT-PCR để khẳng định.

* Bộ Y tế quy định: Sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên với vi rút SARS-CoV-2 phải thuộc danh mục được Bộ Y tế cấp phép. Xét nghiệm nhanh kháng nguyên do nhân viên y tế thực hiện hoặc người nghi nhiễm thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa.

3. Xác định người tiếp xúc gần và người có yếu tố dịch tễ

* Người tiếp xúc gần là một trong số các trường hợp sau:

– Người có tiếp xúc cơ thể trực tiếp (bắt tay, ôm, hôn, tiếp xúc trực tiếp với da, cơ thể…) với ca bệnh xác định trong thời kỳ lây truyền.

– Người đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp trong vòng 2 mét hoặc trong cùng không gian hẹp, kín và tối thiểu trong thời gian 15 phút với ca bệnh xác định khi đang trong thời kỳ lây truyền.

– Người không đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp gần trong vòng 2 mét hoặc ở trong cùng không gian hẹp, kín với ca bệnh xác định trong thời kỳ lây truyền.

– Người trực tiếp chăm sóc, khám và điều trị ca bệnh xác định khi đang trong thời kỳ lây truyền mà không sử dụng đầy đủ các phương tiện phòng hộ cá nhân (PPE).

(Thời kỳ lây truyền của ca bệnh xác định được tính từ 2 ngày trước khi khởi phát (đối với ca bệnh xác định không có triệu chứng thì thời kỳ lây truyền được tính từ 2 ngày trước ngày được lấy mẫu có kết quả xét nghiệm dương tính) cho đến khi kết quả xét nghiệm âm tính hoặc giá trị CT ≥ 30).

* Người có yếu tố dịch tễ bao gồm:

– Người có mặt trên cùng phương tiện giao thông hoặc cùng địa điểm, sự kiện, nơi làm việc, lớp học… với ca bệnh xác định đang trong thời kỳ lây truyền.

– Người ở, đến từ khu vực ổ dịch đang hoạt động./.